Du lịch golf được kỳ vọng là sản phẩm tiềm năng thu hút dòng khách quốc tế, mở đường cho sự phục hồi toàn diện của ngành du lịch Việt Nam.
Du lịch golf (golf tourism) là loại hình du lịch kết hợp giữa du lịch thể thao và khám phá, tham quan, nghỉ dưỡng tại điểm đến.
Dư địa tăng trưởng
Trong bối cảnh ngành du lịch toàn cầu ngày càng trở nên cạnh tranh, du lịch golf, được xem là một loại hình du lịch thể thao, nhận sự chú ý trên toàn thế giới. Các chuyên gia nhận định, đặc trưng của du lịch golf là khách đến thường quay lại nhiều lần và có khả năng chi trả cao cho dịch vụ khách sạn, nhà hàng cao cấp. Theo số liệu của Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam, mỗi khách du lịch golf đến với Việt Nam chi tiêu trung bình 40 triệu đồng trong 5 ngày, chưa kể vé máy bay.
Với lợi thế bờ biển dài 3.260 km, địa hình đa dạng với 3/4 là đồi núi, cùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, phong cảnh tự nhiên đẹp, Việt Nam có tiềm năng phát triển du lịch golf. Năm 2012, Tổ chức Du lịch Golf thế giới IAGTO gọi Việt Nam là “Điểm đến chơi golf chưa được khai phá của năm”.
Chỉ 5 năm sau đó, Việt Nam được Giải thưởng Golf thế giới bình chọn là “Điểm đến chơi golf tốt nhất châu Á”. Năm 2019, Việt Nam được vinh danh là “Điểm đến chơi golf tốt nhất thế giới”. Tạp chí Forbes cũng nhận xét Việt Nam là thị trường golf phát triển nhanh nhất thế giới.
Năm 2019, cả nước đón 3 triệu lượt khách chơi golf, trong đó 1,5 triệu khách quốc tế, doanh thu 4.500 tỷ đồng, theo dữ liệu của Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam.
Sau khoảng thời gian gián đoạn do Covid-19, thị trường du lịch nội địa dần phục hồi, song việc thu hút dòng khách quốc tế gặp nhiều thách thức. Ba tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 2,7 triệu lượt, tăng gấp 29,7 lần cùng kỳ năm 2022, song chỉ bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019, khi đại dịch chưa xuất hiện. Điều này cho thấy du lịch Việt còn hạn chế trong thu hút khách quốc tế có mức chi tiêu cao, lưu trú dài ngày.
Các chuyên gia cho rằng, một trong những giải pháp giúp nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt là tạo động lực phát triển cho các sản phẩm du lịch mới, có khả năng thu hút du khách quốc tế, hạng sang như golf.
Golf mở đường cho sự phục hồi du lịch cao cấp
Theo Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam, cả nước có khoảng 100.000 người chơi golf, gần 100 sân golf đang hoạt động, dự kiến tiến mốc 200 vào năm 2025. 32 sân đạt tiêu chuẩn 5 sao quốc tế, gắn liền với các khu nghỉ dưỡng sang trọng.
Khu vực miền Trung phù hợp để phát triển du lịch golf khi có lợi thế về địa hình, với nhiều vùng mang đặc điểm địa hình bán sa mạc, đồi núi hùng vĩ, đường bờ biển dài với các bãi biển đẹp, cảnh quan đa dạng, hệ sinh thái phong phú…
Tại Quảng Nam, một trong những “thủ phủ” của du lịch miền Trung, ngành du lịch đang trong tiến trình phục hồi. Ba tháng đầu năm, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch tại địa phương này ước đạt 1,63 triệu lượt, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, khách quốc tế ước đạt 765.000 lượt, tăng 85 lần với cùng kỳ; khách nội địa ước đạt 865.000 lượt, tăng gấp đôi so với cùng kỳ.
Mở đường cho du lịch golf miền Trung Việt Nam cất cánh là nhiều tuyến hàng không hiện có và mới được thiết lập tới các thị trường khách chơi golf quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và sự trở lại của đường bay thẳng từ Trung Quốc trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam cho biết, dòng khách quốc tế đến địa phương thời gian này chủ yếu là khách Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, một số nước châu Âu… Du khách thường đi theo đoàn, sử dụng đa dạng dịch vụ, từ du lịch biển, trải nghiệm vùng nông thôn đến chơi golf. Trong đó, golf là sản phẩm có tính hấp dẫn, tạo sức hút mạnh cho du khách quốc tế tới chi tiêu, trải nghiệm và lưu trú lại trên địa bàn tỉnh.
“Quảng Nam có ba sân golf quy mô, có thể nói là nổi tiếng trên khu vực và thế giới. Trong thời gian qua, các sân golf này đóng góp lớn cho sự phát triển của ngành du lịch địa phương, đặc biệt thu hút khách quốc tế, nhất là khách Hàn Quốc và một số nước có đường bay nối thẳng với Đà Nẵng”, ông Hồng nói.
Đại diện Hoiana Shores Golf Club – một trong ba dự án sân golf của tỉnh Quảng Nam, cho biết trong ba tháng đầu năm 2023, sân golf này thu hút 21.500 lượt khách tới trải nghiệm du lịch golf, trong đó 95% là khách quốc tế, khách Việt chiếm chưa tới 5%.
“Theo tôi, ngoài mục tiêu thu hút khách du lịch, cần lưu tâm nâng cao mức chi tiêu trên từng đầu khách, đồng thời để họ quay lại nhiều lần và ở lại Việt Nam lâu hơn. Việc đầu tư đa dạng hóa các loại hình giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp sẽ góp phần đạt được mục tiêu đó”, ông Steve Wolstenholme – Chủ tịch Hoiana Resort & Golf nói.
Hoiana Shores Golf Club nằm trong khu nghỉ dưỡng phức hợp Hoiana Resort & Golf (xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), là sân golf 18 hố, tiêu chuẩn Championship. Công trình được thiết kế bởi kiến trúc sư Robert Trent Jones Jr. – “cha đẻ” của những thiết kế sân golf thân thiện với môi trường. Sân golf được các golfer thuộc mọi cấp độ đánh giá cao nhờ cảnh quan đẹp, tầm nhìn hướng ra biển Đông và Cù Lao Chàm. Dự án sở hữu Clubhouse tiện nghi, rộng hơn 6.000 m2, là một trong những clubhouse lớn của châu Á và là đại diện duy nhất của Việt Nam có tên trong “Những clubhouse tốt nhất thế giới” trong hai năm liên tiếp 2022 và 2023 do World Golf Awards đề cử .
Theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, trong định hướng quy hoạch của địa phương về phát triển ngành du lịch, thể thao phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội, dự kiến quy hoạch thêm các sân golf ở phía Nam và phía Tây tỉnh Quảng Nam. Hiện, ba sân golf của tỉnh đều đang nằm tại khu vực phía Bắc, trong khi phía Nam và phía Tây còn nhiều vị trí có thể khai thác.
Để kích cầu phục hồi phát triển du lịch, Quảng Nam đang tập trung đẩy mạnh du lịch xanh, nâng cấp các sản phẩm, đẩy mạnh đa dạng loại hình, đặc biệt phục vụ cho dịp nghỉ lễ kéo dài 30/4 – 1/5 sắp tới. Dự báo thời gian tới, khách du lịch tới Quảng Nam rất đông. Công suất các khách sạn đạt trên 60%, có nơi báo cáo đạt trên 100% trong dịp lễ.
11 Tháng Mười, 2023
DU LỊCH