Bên cạnh những sân golf có cảnh đẹp kỳ vĩ thì cũng có nhiều sân golf kỳ dị đến mức người chơi phải giật mình, mang lại cảm giác mạnh đến thót tim.
Thế giới có các sân khiến golfer nhớ đời bằng các trải nghiệm như gần miệng núi lửa, phải thoát y khi chơi, chơi với gấu ở Bắc Cực hay là trên phi trường.
Camp Bonifas Golf Course được mệnh danh là sân golf nguy hiểm nhất hành tinh khi người chơi có thể thiệt mạng bất kỳ lúc nào. Có nguồn gốc quân sự, Camp Bonifas Golf Course nằm cách khu phi quân sự Hàn Quốc – CHDCND Triều Tiên chỉ 200 yard.
Sân có diện tích khá nhỏ chỉ rộng 160 m2 và duy nhất một hố par 3 dài 192 yard với “fairway” được viền bởi chiến hào và dây thép gai còn green làm bằng cỏ nhân tạo. Biển báo holf, ngoài thông số về loại, khoảng cách còn dòng cảnh báo “Nguy hiểm! Không được nhặt bóng trong khu cỏ rough do mìn chưa vô hiệu hoá”. Năm 1998, báo Washington Post đưa tin một quả bóng trượt fairway đã khiến một quả mìn phát nổ.
Camp Bonifas được xây dựng vào năm 1972 nhằm giúp binh lính Mỹ có chỗ vui chơi, giải trí. Sân này được đặt tên vào năm 1976, nhằm vinh danh thiếu tá Arthur Bonifas, người đã thiệt mạng trong một cuộc đụng độ với binh lính Triều Tiên. Hiện sân là nơi “vui chơi giải trí” cho các binh lính, chính vì vậy cả người cầm gậy lẫn người nhặt bóng đều có khả năng bắn tỉa giỏi, các tay golf còn được yêu cầu trang bị vũ khí bên cạnh.
Volcano Golf Course là một CLB golf nằm trên đảo lớn Hawaii, cách mặt biển gần 1.220 mét và nằm gần miệng núi lửa Kilauea ở cực đông nam Hawaii. Từ sân này, người chơi có tầm nhìn hướng Tây trực diện Mauna Loa – miệng núi lửa lớn nhất còn hoạt động hoặc núi lửa đồng đội Mauna Kea cấp nhỏ hơn ở phía Bắc. Cả hai núi mới phun trào vào đầu tháng này. Kilauea từng phá huỷ hàng trăm ngôi nhà trong đợt bùng nổ hồi 2018. Lần gần nhất bắt đầu năm ngoái, đến giờ vẫn còn, nhưng dung nham chỉ dâng lên gần đỉnh.
3. Sân golf yêu cầu khách phải… thoát y
Sân golf La Jenny ở Le Porge, Pháp có một quy định “độc nhất vô nhị” khi yêu cầu: tất cả người chơi phải thoát y hoàn toàn nếu thời tiết phù hợp.
La Jenny chỉ có 6 hố, thuộc dạng golf kèm nghỉ dưỡng với chủ trương gần gũi với thiên nhiên. Nơi này cũng có dịch vụ tổ chức các giải đấu, giao lưu chuyên nghiệp – nghiệp dư hoặc nhận huấn luyện chuyên môn với giảng viên được chứng nhận bởi Hiệp hội Golf nhà nghề Pháp.
4. Phải đi trực thăng để chơi golf
Legend Golf & Safari Resort thuộc tỉnh Limpopo, South Africa mang lại cho khách cảm giác mạnh. Sân có 18 hố, mỗi hố được thiết kế bởi một golfer chuyên nghiệp.
Sau vòng chuẩn, nếu muốn, khách sẽ được đi trực thăng lên hố 19 có tên là Extreme 19th hay còn gọi “hố par 3 dài nhất thế giới”. Nơi này cách mực nước biển 1.371 mét, còn tee cheo leo trên vách đá ở độ cao khoảng 400 mét, cách green 395 yard. Legend Golf & Safari Resort từng trao thưởng 1 triệu USD cho người nào ghi được điểm HIO ở hố golf này.
Khu chốt hố được thiết kế giống lục địa châu Phi. Sau khi phát, bóng mất hơn nửa phút mới đáp xuống green nên nó sẽ được xác định vị trí nhờ công nghệ theo dõi và camera. Theo website quảng bá du lịch Nam Phi, diễn viên Hollywood kì cựu Morgan Freeman từng giữ được par ở hố 19 thử thách này.
Sân golf tại thị trấn Uummannaq ở Greenland là một nơi toàn băng, tuyết và đá, và gió rét, và thậm chí là gấu Bắc Cực. Sân golf trên băng này nằm giữa một trong những vùng có cảnh quan hùng vĩ nhất thế giới và cách Bắc Cực chỉ 600 km.
Đây là nơi diễn ra giải golf World Ice Golf Championship. Hàng năm, giải thu hút các tay golf từ khắp thế giới đến tranh giành danh hiệu vô địch golf trên băng, nhưng mỗi giải không thể nhận quá 20 người. Các tay golf không chỉ đơn giản có mặt và chơi golf mà còn phải đối mặt với những thách thức khác cả về thể chất lẫn tinh thần. Nhiệt độ băng giá tại đây có thế xuống đến dưới 50 độ C.
Đặc biệt hơn, đây cũng là giải golf thế giới duy nhất mà các tay golf chuyên nghiệp có thể cùng đấu với các tay golf không chuyên, với handicap đừng vượt quá con số 36.
Golfer thường muốn tĩnh lặng khi ra sân. Nhưng ở Kantarat Golf Course, Bangkok, Thái Lan họ phải chơi chung với tiếng ồn đinh tai nhức óc từ động cơ máy bay. Bởi sân nằm giữa hai đường cất và hạ cánh thuộc phi trường quốc tế Don Mueang, sân bay lâu đời nhất châu Á còn hoạt động.
Kantarat do không quân Hoàng gia Thái Lan xây dựng vào năm 1952. Nó là sân golf đầu tiên ở Bangkok, thứ hai tại xứ chùa vàng, sau Royal Hua Hin ở quận cùng tên thuộc tỉnh Prachuap Khiri Khan. Kantarat thuộc loại par 72, với giá chơi 18 hố ngày thường cho khách vãng lai ở mức 8,6 USD trong khi nhân sự thuộc không quân Hoàng gia chỉ phải trả khoảng 2,87 USD cho một vòng cùng loại.
Theo Vietnamgolfmagazine
4 Tháng Hai, 2024
DU LỊCH