Khoảng cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, thể thao trở nên thịnh hành trong giới quý tộc châu Âu: đua ngựa, bắn cung, bắn súng, tennis và thời trang golf. Tuy nhiên, sự góp mặt của nữ giới trong các hoạt động này rất hạn chế. Trang phục thể thao nữ không khác biệt gì so với phục trang thường ngày. Trong mọi hoạt động, phụ nữ vẫn mặc chiếc đầm dài che mắt cá chân. Tay áo phủ kín đến cổ tay. Điều này kìm hãm vận động và ảnh hưởng đến thành tích thể thao của họ.
Những năm 1900, phụ nữ lần đầu tiên được phép tham dự Thế vận hội Olympic. Khi ấy, vận động viên nữ chỉ chiếm khoảng 2% số người tham gia. Chiến thắng của họ tại các môn thể thao cạnh tranh chẳng được xem trọng. Tuy nhiên, đây vẫn là cột mốc đáng nhớ, ghi dấu sự chuyển biến trong dòng chảy của lịch sử thời trang.
Bộ môn golf ra đời vào khoảng thế kỷ 15 ở Scotland. Theo sử sách, Mary Stuart, nữ hoàng Scotland, là người có công phổ biến loại hình thể thao này. Thời sống tại Pháp, bà rất thích chơi golf. Golf dần trở thành môn thể thao có vị trí vững chắc ở Scotland. Nữ hoàng Mary Stuart được xem là nữ golf thủ đầu tiên của thế giới. Vào giai đoạn 1867, câu lạc bộ golf nữ đầu tiên được thành lập tại sân St. Andrews (Scotland). Nam giới mất thế độc tôn. Có thể nói, golf là một trong những bộ môn sớm có sự tham gia của nữ giới. Trong giai đoạn này, phụ nữ vẫn phải mặc trang phục cồng kềnh: áo nịt ngực, váy lót phồng, đầm xòe rộng, áo blouse cổ cao bó sát người.
Từ năm 1860, golf bắt đầu du nhập sang các nước phương Tây khác. Cuối thế kỷ 19, trang phục golf dần có sự thay đổi. Cả đàn ông lẫn đàn bà đều trút bỏ bộ đồ nhiều lớp nặng nề. Quần áo được thiết kế để di chuyển dễ dàng, thoải mái hơn. Chất liệu dệt kim trở thành lựa chọn phổ biến. Các nữ golf thủ diện bộ cánh ba mảnh – áo blouse, áo khoác và chân váy. Một số cải tiến khác là váy có diềm xếp pli. Áo blouse có nếp gấp ở phần lưng. Năm 1904, Thomas Burberry, nhà sáng lập thương hiệu Burberry, đã giới thiệu trang phục golf cải tiến. Dành cho phụ nữ London, chiếc áo khoác có phần tay áo giúp phụ nữ có thể sải tay rộng hơn. Đồng thời, mẫu váy rút dây ở eo của Burberry có thể nâng cao 20 cm so với mặt đất.
Tennis là thú chơi tiêu khiển của tầng lớp thượng lưu Anh quốc, thời kỳ Victoria (1837-1901). Họ chơi tennis dưới hình thức đánh bóng trên bãi cỏ. Người chơi khi ấy thường mặc trang phục có tông màu trắng. Gam màu này thể hiện nét sang trọng quý tộc. Tuy vậy, suốt những năm 1910, phụ nữ vẫn phải mặc chiếc đầm nặng và dài thượt. Mũ đội đầu thì có vành to rườm rà. Không chỉ thống trị quần vợt nữ trong thời đại của mình. Lenglen còn góp công lớn đổi thay trang phục thể thao nữ. Tại giải Wimbledon năm 1922, Suzanne Lenglen bước ra sân đấu trong sự sửng sốt của cả khán đài. Bà diện mẫu đầm ngắn tay, dập pli phủ ngang gối. Dải băng đội đầu thay cho mũ truyền thống. Sự kiện này không khác gì cơn địa chấn lớn trong làng quần vợt nữ.
Sự liều lĩnh của Suzanne Lenglen là một cuộc cách mạng. Nhờ “hiệu ứng Lenglen”, năm 1933, phụ nữ được phép để đầu trần chơi tennis. Các tay vợt nữ dần trở nên mạnh dạn và can đảm. Họ dám theo đuổi hình ảnh và phong cách mà họ muốn thể hiện.
Năm 1932, Alice Marble tạo nên cơn sốt mới khi mặc áo phông “sơ vin” trong quần shorts ngắn. Trong thập kỷ đó, tay vợt nam người Pháp, René Lacoste, tạo ra những chiếc áo phông ngắn tay. Chất liệu cotton nhẹ thoáng khí cho vận động viên tennis. Chúng được ưa chuộng đến mức được sản xuất hàng loạt cho cả nam lẫn nữ từ năm 1933. Ngày nay, mẫu áo này được biết đến với cái tên “áo polo”. Chiếc váy ngắn, vốn chỉ thấy trong một vài loại hình thể thao, biến thành biểu tượng tân thời của làn sóng Swinging London vào thập niên 1960. Mini skirt trở thành trang phục xuống phố của chị em. Chiếc váy ngắn trên gối này do nhà thiết kế xứ Wales Mary Quant sáng tạo nên.
Các khu nghỉ dưỡng du lịch mùa đông mọc lên như nấm vào những năm 1930. Nhu cầu này xuất phát từ sự yêu thích bộ môn trượt tuyết của người dân. Họ xem trượt tuyết như một loạt hình giải trí tốc độ cao. Quần áo được thiết kế với mục đích hỗ trợ cho người chơi có thể xoay nhảy, trượt xuống đồi và leo dốc. Vậy nên, trang phục trượt tuyết có cấu trúc dạng quần dài, vừa vặn với dáng người mặc. Trang phục trượt tuyết của nữ giới thập niên 1930. Quần áo có thiết kế tương tự như của nam giới, nhằm đảm bảo sự an toàn và di chuyển dễ dàng. Hiển nhiên, nữ giới cũng được mặc quần dài để thuận tiện hơn cho việc vận động. Đây là cột mốc rất quan trọng trong lịch sử trang phục thể thao nữ. Nên biết phụ nữ không được mặc quần khi tham gia những môn thể thao khác cho đến giữa thập niên 1930.
Sự phát minh ra nylon vào năm 1935 đã thay đổi cả Chiến tranh thế giới thứ II (1939-1945) lần đồ thể thao. Nylon được tạo ra bởi Wallace Hume Carothers, một nhà khoa học tại Sở hóa học của công ty DuPont, Mỹ. Với đặc tính đàn hồi, bền chắc và dẻo dai hơn bất cứ loại sợi tổng hợp nào ở giai đoạn đó, nylon được xem là siêu hợp chất.
Tuy vậy, phải đến năm 1940, nylon mới chính thức xuất hiện trên thị trường quần áo, ở dạng… tất chân cho phụ nữ. Nhận thức được đặc tính linh hoạt của nylon, Mỹ bắt đầu sử dụng hợp chất này cho mục đích quân sự từ 1941 đến 1945. Sau Chiến tranh thế giới thứ II, ngành công nghiệp sản xuất vải nhân tạo bùng nổ. Công ty DuPont bắt đầu chế tạo và sản xuất những loại sợi mới. Những chiếc tất chân bằng nylon được sản xuất đại trà ra thị trường. Năm 1952, chất liệu acrylic ra đời, với mô tả “có kết cấu giống như len”. Một năm sau đó, loại vải tổng hợp polyester “chống nhăn, không co khi giặt” xuất hiện. Năm 1959, DuPont công bố phiên bản cải tiến của nylon – spandex.
Vải spandex, hay còn gọi là lycra, trở thành chất liệu co giãn tốt nhất. Trong cùng năm ấy, chiếc quần leggings bằng spandex đầu tiên ra mắt trên thị trường. Leggings không mỏng và dễ rách như tất chân. Độ đàn hồi hoàn hảo và vừa vặn cho mọi dáng người. Điều này biến leggings thành món đồ không thể thiếu của phụ nữ suốt thập kỷ 1970. Ban đầu chúng được mặc chủ yếu bởi nhóm người chơi thể dục nhịp điệu và yoga. Ngày nay, phụ nữ diện leggings như một món đồ thời trang. Leggings có thể kết hợp cùng chân váy mini. Cũng có thể đi kèm đầm ngắn để tạo vẻ trẻ trung năng động.
Người ta pha trộn spandex với sợi nhân tạo khác để dệt vải. Phát minh này mở ra cánh cửa mới cho ngành công nghiệp thời trang. Đặc biệt là trang phục thể thao nữ. Những năm 1950, vải nhân tạo phủ sóng đời sống, từ quần áo lót, áo tắm, đồ thể thao cho đến bàn chải đánh răng và hành lý. Vải sợi nhân tạo là sáng chế mang tính cách mạng của người Mỹ. Đồ thể thao dần được mặc định là phong cách Mỹ. Thú vị nhất, các nhà mốt Pháp như Jean Patou hay Coco Chanel đều đã thiết kế đồ thể thao từ những năm 1920. Chúng không phải là thiết kế chủ đạo mà thuộc nhóm sản phẩm cao cấp cho khách hàng thượng lưu. Trong khi đó, đồ thể thao của Mỹ lại là sản xuất hàng loạt, giá phải chăng. Có lẽ người Pháp cũng thừa nhận điều ấy. Năm 1955, Coco Chanel, Jean Patou và Christian Dior đều ứng dụng sợi nhân tạo cho các buổi trình diễn thời trang ở Paris.
Những năm đầu thế kỷ 21, người chơi thể thao hay các vận động viên Mỹ thường chuộng mặc tracksuit. Bộ đồ thể thao gồm áo và quần thùng thình. Sự rộng rãi và thoải mái của tracksuit giúp giữ ấm và bảo vệ cơ thể của người mặc trước khi tập luyện hoặc thi đấu. Do đó, bộ đồ hai món này chỉ gắn liền với các hoạt động thể thao.Số phận của nó hẳn sẽ mãi là bộ đồ tập thể dục, nếu không có Paris Hilton.
Không ngoa khi nói rằng, Hilton chính là đại diện thời trang của thập niên 2000. Nữ thừa kế của tập đoàn khách sạn lừng danh Hilton này vốn nổi tiếng bởi hình ảnh cá nhân hào nhoáng và khác biệt. Điều ấy thể hiện qua cái cách mà cô nàng trưng dụng tracksuit như một trang phục thời trang thường ngày. Hilton gần như diện tracksuit ở mọi nơi cô đến. Tất cả mẫu tracksuit vải nhung của thương hiệu Juicy Couture mà Hilton mặc luôn trong tình trạng cháy hàng. Phong cách của Paris Hilton tạo nên sức ảnh hưởng đến thế hệ trẻ khi đó. Mọi người bắt đầu áp dụng tracksuit như một xu hướng thời trang ngoài phố. Cho tới hôm nay, tracksuit vẫn là trang phục thông dụng trong cuộc sống của mọi người.
Thập niên 2010 chứng kiến tốc độ phát triển nhanh trong nền kinh tế toàn cầu và đời sống xã hội. Sự bận rộn khiến con người đề cao tính ứng dụng, tiện lợi lên hàng đầu. Rất tự nhiên, một khái niệm mới giữa thể thao (athletics) và giải trí (leisure) đã hình thành: athleisure. Trong giai đoạn 2010 – 2014, phong cách athleisure trở thành từ khóa thời trang được tìm kiếm nhiều nhất.
Phóng khoáng trong phom dáng, năng động trong cách nhìn – athleisure càn quét khắp nơi, từ thương hiệu bình dân đến cao cấp. Hàng loạt ông lớn trong ngành thời trang xa xỉ như Louis Vuitton, Gucci hay Lanvin cũng đã từng mang trang phục thể thao lên sàn catwalk. Họ cải tiến chất lượng lên cao hơn bằng việc sử dụng satin, lụa hay viscose cao cấp, cũng như thay đổi phom dáng linh hoạt hơn cho người mặc. Bên cạnh đó, thế hệ IT girl như Cara Delevingne, Kendall Jenner, Kaia Gerber hay chị em nhà Hadid cũng đã góp phần mang athleisure lên một tầm cao mới. Vẻ đẹp cơ thể chuẩn mực, cùng phong vị athleisure đậm chất đường phố, đã biến họ trở thành hình mẫu hoàn hảo của thời đại. Mức độ phủ sóng của thời trang thể thao hiện nay dường như không có điểm dừng. Còn đối với Golf, thị trường thời trang của bộ môn này đã trở thành mảnh đất màu mỡ của các ông lớn lên tới hàng tỉ đô.
Đọc thêm về: THỜI TRANG GOLF NỮ: “MẢNH ĐẤT MÀU MỠ” MỚI CHO CÁC THƯƠNG HIỆU
Theo Harper’s Bazaar Việt Nam
10 Tháng Tư, 2024
TIÊU ĐIỂM